Chợ Mới là vùng đất giàu tiềm năng, các yếu tố thuận lợi để trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phát triển nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng, du lịch. Qua đó, việc hình thành và phát triển các khu đô thị hiện đại cũng là động lực giúp Chợ Mới cất cánh trong thời gian tới.
Lợi thế phát triển
Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Võ Nguyên Nam cho biết: “Chợ Mới tập trung phát triển KTXH trong bối cảnh liên vùng, liên tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế.”
Là huyện nông nghiệp có thế mạnh về thương mại, dịch vụ, tiềm năng về sản xuất công nghiệp chế biến nông, thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm, Chợ Mới đầu tư phát triển kinh tế theo hướng "nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng".
![]() |
Chợ Mới đầu tư phát triển kinh tế theo hướng “nông nghiệp - thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng". Ảnh: Thạch Phạm |
Về du lịch, huyện Chợ Mới có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, với khá nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia, có quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo cùng với các làng nghề truyền thống mang đậm nét dân tộc.
![]() |
Chợ Mới đầu tư xây dựng các sản phẩm tại khu du lịch sinh thái |
Những công trình cầu, đường được nâng cấp xây dựng mới ngày càng kiên cố vững chắc đã làm thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội Chợ Mới ngày càng phát triển. Hơn hết, thông tin về tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dự kiến sẽ triển khai giai đoạn 1 tại Thoại Sơn (An Giang) đến quốc lộ 60 (Sóc Trăng) với quy mô bốn làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/giờ sẽ tạo sức mạnh liên kết vùng rất lớn.
Trong lĩnh vực xây dựng, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình xây dựng trên địa bàn để đưa vào khai thác, sử dụng, nhất là các công trình thuộc các xã nông thôn mới. Huyện đã có kế hoạch đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng siêu thị Co.opmart thị trấn Chợ Mới và thị trấn Mỹ Luông.
Theo quy hoạch chung đô thị Chợ Mới đến năm 2035, thị trấn Chợ Mới mở rộng được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của huyện Chợ Mới và cũng là đô thị trung tâm tiểu vùng II - trung tâm đầu mối, phát triển nông nghiệp - thủy sản và du lịch cảnh quan sông nước.
Cần phát triển đô thị hiện đại làm động lực tăng trưởng
Thị trường bất động sản Chợ Mới hiện nay vẫn ở dạng tiềm năng, phát triển sơ khai, chủ yếu là đất nền và đất thổ cư. Dù sở hữu tiềm năng phát triển kinh tế với nhiều thành tựu khả quan, nhưng đến nay vẫn chưa có một khu đô thị, khu dân cư nào thật sự vượt trội tại Chợ Mới.
Việc quy hoạch các khu đô thị đất nền Chợ Mới một cách bài bản sẽ tạo thêm lực đẩy cho cả khu vực. Chính vì thế, giới chuyên gia về quy hoạch nhận định rằng Chợ Mới đang bước vào giai đoạn phát triển vàng, hơn lúc nào hết địa phương đang cần một khu đô thị quy hoạch bài bản, năng động với các dòng bất động sản thương mại với tiện ích hiện đại để tạo ra cú hích thay đổi rõ rệt bộ mặt đô thị.
![]() |
Chợ Mới sắp xếp, hình thành và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ theo định hướng quy hoạch chung, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng. |
Việc phát triển khu đô thị mới không chỉ là biểu tượng cho đô thị trẻ, mà còn là động lực để huyện phát triển mạnh mẽ, trở thành khu vực vệ tinh hiện đại, năng động cho TP. Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.
Khi phát triển đô thị, chắc chắn huyện sẽ có sức hút rất lớn về các dự án bất động sản, chính quyền phải có cái nhìn tổng thể, làm sao các dự án đầu tư trở thành một bức tranh tổng thể, hiệu quả, có định hướng rõ ràng.
Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng ngày càng hoàn thiện cũng giúp Chợ Mới phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.